Chuyên gia tội phạm học phân tích động cơ kẻ thảm sát gia đình em trai

CHIA SẺ:

Chuyên gia tội phạm học cho rằng kẻ gây ra thảm sát có nhân cách chứa đựng những lệch lạc nguy hiểm. Khi có tranh chấp, ông ta không dùng các biện pháp hợp pháp để đòi quyền lợi.



NHẤN ĐỂ BẬT TIẾNGChủ tịch xã nói về vụ anh trai truy sát nhà em làm 4 người tử vong Theo ông Nguyễn Đình Đà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội), sau khi gây án, Đông quay về nhà, thản nhiên uống nước và có ý định tự tử bằng điện tại nhà tắm.

Liên quan vụ án anh dùng dao thảm sát cả gia đình em trai do tranh chấp 0,5 m đất giáp ranh, Công an Hà Nội đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Đông (53 tuổi) về hành vi Giết người.

Dưới góc độ tâm lý học tội phạm, trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an - đánh giá thủ phạm từ những suy nghĩ lệch lạc đã để bản năng dẫn dắt, khiến mất kiểm soát hành vi.
Hung thủ bế tắc trong tư duy

Theo trung tá Hiếu, nguyên nhân làm phát sinh ý định phạm tội, thúc đẩy Đông ra tay với chính người thân của mình là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố tiêu cực trong môi trường sống với đặc điểm tâm sinh lý của thủ phạm. Từ đó hình thành một con người có nhân cách lệch lạc.

"Nói cách khác, nhân cách của bị can đã chứa đựng những lệch lạc nguy hiểm", ông Hiếu nói và nhấn mạnh. Điều này do các yếu tố tiêu cực từ môi trường xã hội tác động, hình thành nên.

Nguyễn Văn Đông vào nhà bình tĩnh uống nước sau khi gây án. Ảnh: Nguyên Vũ.

Do vậy, khi gặp tình huống tranh chấp đất đai, tâm lý tiêu cực bên trong thúc đẩy Nguyễn Văn Đông quyết định phải giết người để giải toả các bức xúc tâm lý. Chuyên gia tội phạm học cho rằng trong vụ thảm án xảy ra ở huyện Đan Phượng, bị can đã quá trọng lợi ích vật chất, xem nhẹ tình cảm gia đình dẫn đến coi thường pháp luật.

"Khi lợi ích bị xâm phạm, Đông không giải quyết bằng đối thoại mà đem sự hằn học, thù tức trong con người biến thành sự hung hãn", trung tá Hiếu phân tích.

Hung thủ cũng không lấy các biện pháp hợp pháp khác để đòi quyền lợi cho mình. Khi nhận được phản ứng không mong muốn từ phía gia đình em trai, Đông dùng bạo lực để giải quyết bức xúc tâm lý.

Cũng theo chuyên gia Đào Trung Hiếu, ở tuổi 53, ông Đông đã tích lũy kinh nghiệm sống, biết được đúng - sai. Bị can thừa hiểu hành vi giết người là phạm trọng tội nhưng vẫn gây án. Từ đó có thể thấy một sự bế tắc trong tư duy của thủ phạm.

Trung tá Hiếu nhấn mạnh thêm, sau khi chém gục 2 người đầu tiên thì việc tấn công những người tiếp đó như là một quán tính của kẻ côn đồ. Trong cơn cuồng nộ, Đông quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng, cho thấy hung thủ có sự lệch lạc nghiêm trọng về nhân cách. Kẻ gây án đã để bản năng dẫn dắt, khiến bản thân mất kiểm soát hành vi.

"Một đối tượng đã dám truy sát người nhà thì việc chống trả lực lượng vây bắt là điều dễ hiểu. Sau đó, khi không có gì để mất, Đông đã nghĩ tới việc tự sát", trung tá Hiếu lý giải.

Ông cho rằng hành vi của Nguyễn Văn Đông đã đi ngược đạo lý, gây hoang mang và căm phẫn cao độ trong dư luận. Do đó, cần đưa vụ án ra xử điểm, có hình phạt nghiêm khắc nhất đối với hung thủ để sớm xoa dịu nỗi đau mà cả cộng đồng đang phải gánh chịu.
Nên làm gì khi xảy ra tranh chấp?

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp) cho hay từ trước đến nay, các vụ án mạng khởi nguồn do tranh chấp tài sản giữa anh em, họ hàng xảy ra không ít.

Tuy nhiên, thảm án do Nguyễn Văn Đông gây ra với cả gia đình em trai khiến dư luận bàng hoàng.

Hiện trường án mạng ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Hồng Quang.

Theo luật sư, Đông khai mục đích ban đầu mang dao để tìm giết vợ và con trai ông Hải. Tuy nhiên, khi gặp các thành viên khác, Đông quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội đến cùng.

"Hành vi giết nhiều người cho thấy bị can rất côn đồ. Căn cứ quy định hiện hành, bị can sẽ bị xử lý về tội Giết người với nhiều tình tiết định khung tăng nặng", ông Cường phân tích.

Đáng lẽ khi xảy ra mâu thuẫn, Đông có thể khởi kiện ra tòa án để các cơ quan tố tụng giải quyết tranh chấp về đất đai, thừa kế. Nhưng trái lại, bị can đã “tự xử” gây ra thảm án đặc biệt nghiêm trọng.

Luật sư nhìn nhận trên thực tế, các vụ tranh chấp dân sự phổ biến thường xảy ra trong lĩnh vực đất đai, thừa kế, phân chia tài sản. Tuy nhiên, nhận thức pháp luật của đa số người dân về thủ tục khiếu nại, kiện cáo để giải quyết những tranh chấp dân sự này còn rất hạn chế.

Ông Cường cho rằng hiện nay, nhiều người dân không biết về thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai. Họ không rõ sẽ phải gửi đơn tới cơ quan nào khi có tranh chấp. Nhiều vụ tranh chấp dân sự không được gửi đến cơ quan thụ lý để giải quyết một cách kịp thời nên dẫn đến những vụ án đau lòng.


Sáng 1/7, do mâu thuẫn về kinh tế và đất đai nên Đông mang dao bầu sang tìm giết những người trong gia đình em trai Nguyễn Văn Hải (50 tuổi) ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.

Gặp người nhà ông Hải, Đông lần lượt chém gục 5 nạn nhân, trong số đó có bé gái 14 tháng tuổi, là cháu nội ông Hải.

Sau đó, Đông bỏ về nhà. Khi người dân đưa các nạn nhân đi cấp cứu, kẻ thủ ác tiếp tục cầm dao quay lại đe dọa rồi tiếp tục chém những người nằm gục ở hiện trường.

Án mạng làm 4 người tử vong, một người trọng thương. Thủ phạm bị bắt khi định về nhà tự sát.

Nguồn: https://news.zing.vn