Vụ thầy giáo tát, đá học sinh: Đừng nhầm lẫn bạo lực với kỷ luật

CHIA SẺ:

Clip thầy giáo tát, đá học sinh tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) mới đây lại thêm một lần nữa làm nóng thêm vấn đề về nạn bạo lực học đường nói chung và bạo lực của giáo viên đối với học sinh nói riêng.


Theo thông tin từ báo chí, clip trên ghi được ghi lại vào chiều 29.4. Trong clip, thầy giáo tên là Khúc Xuân H. - chủ nhiệm lớp 10A3 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã có những lời nói và hành động không đúng chuẩn mực nhà giáo như tát, đá... vào một số học sinh trong giờ sinh hoạt lớp. Thầy giáo liên tục tát mạnh vào mặt 4 nam sinh, khiến các em choáng váng. Có em đứng không vững sau cú tát. Không chỉ vậy, thầy còn nhảy lên, đá mạnh vào ngực nam sinh mặc áo trắng khiến em này ngã ngửa ra bục giảng. Nguyên nhân được cho là các em không chấp hành nội quy, quy định của trường.

Trong bản tường trình về sự việc, thầy H. đã bày tỏ hối hận. "Thực ra, bản thân tôi cũng muốn tốt cho học sinh và coi các em như con em trong nhà. Trong lúc không kiềm chế được mới xảy ra sự việc” - thầy H. viết trong bản tường trình được báo chí thuật lại.

Vào thời điểm tháng 8.2020, dư luận cũng bất bình trước clip thầy giáo bắt học sinh quỳ, rồi tát em học sinh trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Qua xác minh của báo chí, clip trên được quay tại lớp 7A4, Trường THCS Nguyễn Huệ, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 7.2020. Cụ thể, sự việc trên xảy ra trong tiết Toán của thầy HVH – giáo viên chủ nhiệm lớp. Khi đó, dù thầy đã vào lớp nhưng em D. vẫn chạy lung tung, gây mất trật tự. Thầy H. yêu cầu em đứng lại trao đổi nhưng em không nghe lại chạy về chỗ ngồi. Trong quá trình thầy ổn định lớp, em D. vẫn không chịu ngồi yên. Vì thế, thầy H. đã phạt em đứng trước lớp. Tuy nhiên, em D. vẫn giỡn với bạn. Do đó, thầy đã bắt em quỳ nhưng vẫn tiếp tục đùa với bạn nên thầy đã tát vào miệng.

Có thể mục đích của các giáo viên trong các vụ việc trên chỉ là muốn duy trì kỷ luật trong lớp học, trường học, tuy nhiên, kỷ luật không đồng nghĩa với bạo lực, hay nói cách khác, để có được kỷ luật, không thể sử dụng bạo lực, nhất là trong trường học. Sử dụng bạo lực đối với các em học sinh nghĩa là đã vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nghề giáo, vi phạm điều đã được hiến định.

Cụ thể, theo quy định tại Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về đạo đức nhà giáo do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, trong mục Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo, có nội dung: Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học.

Không chỉ vậy, quyền bất khả xâm phạm về thân thể đã được hiến định. Điều 20 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có viết: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Những vụ việc trên, không những các em học sinh bị xâm phạm về thân thể, mà còn bị xâm hại về danh dự và nhân phẩm; không những để lại những đau đớn đối với cơ thể, mà còn để lại những vết thương vô hình, có thể sẽ tồn tại dai dẳng trong các em.

Học sinh đến trường để học những cái hay, cái đẹp, chứ không phải là “bài học” mang tính tiêu cực: Nếu làm sai thì sẽ bị đánh đập. Giáo viên đến trường là để gieo mầm kiến thức, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn các em chứ không phải là… đánh đập các em, dù “cũng muốn tốt cho học sinh và coi các em như con em trong nhà”…
BẢO HÂN